Nghề chạm khắc gỗ ở Hương Mạc có từ bao giờ và do ai truyền lại đến nay vẫn chưa có tài liệu nào ghi chép lại. Theo truyền khẩu của người dân trong làng, ngay từ thời vua Lý Nhân Tông đi kinh lý trên địa hạt Lạng Giang (địa danh Thời Lý) để xem xét phòng tuyến Như Nguyệt (trên dòng sông Cầu) chống giặc Tống, vua nghe tiếng làng Mạc có nghề chạm gỗ bèn kén thợ để chế tác các loại đồ gỗ ngự dụng. Thế rồi nghệ nhân ở làng Mạc nhận mẫu chạm khắc rồi kết hợp với các nhóm thợ khảm trai làng Chuôn (Hà Tây). Nhiều đồ gỗ như tủ, sập, câu đối, ghế…đã khảm trai trước khi tiến cung. Nghề chạm khảm của làng Mạc từ ấy đã được nhân rộng, nhiều người biết đến và được đánh giá cao.
Trải qua thăng trầm lịch sử, nghề chạm khắc gỗ ở Hương Mạc thực sự phát triển vào đầu những năm 1990. Nguyên liệu được sử dụng ở đây là gỗ tự nhiên, và thường là loại gỗ quý hoặc hiếm như: gỗ lim, trắc, mun, hương đá, hương xám, cẩm lai, gõ đỏ, cà te, nghiến,… Quy trình hình thành một sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ được chia làm các công đoạn: Xử lý gỗ nguyên liệu; pha gỗ; đục, chạm, khảm; làm ngang; đánh bóng, hoàn thiện sản phẩm. Mỗi công đoạn đều có vai trò quan trọng khác nhau, song công đoạn đục, trạm, khảm đòi hỏi sự sáng tạo, tài hoa và cái tâm với nghề của mỗi người thợ. Sản phẩm mỹ nghệ của làng nghề phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, từ bàn ghế, giường, tủ, sập, bàn thờ, hoành phi, câu đối đến các loại tranh gỗ treo tường hay các loại đồ gỗ trang trí như: đồng hồ, lộc bình, lọ hoa, tượng…
Các sản phẩm mỹ nghệ của xã Hương Mạc có giá trị cao, thu hút nhiều khách hàng trong và ngoài nước đến đầu tư kinh doanh, buôn bán. Toàn xã hiện có gần 5.000 hộ, trong đó tỷ lệ hộ dân làm nghề đồ gỗ mỹ nghệ chiếm từ 80 – 85%; có 49 công ty, HTX chuyên sản xuất, kinh doanh mỹ nghệ; 05 người được công nhận “Nghệ nhân thủ công mỹ nghệ”.