Tinh thần hiếu học của người dân Hương Mạc

Hương Mạc (còn có tên là làng Me) hiện nay là tên làng mà cũng là tên phường, thuộc Thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Hương Mạc là nơi có nền giáo dục phát triển từ rất sớm, có truyền thống hiếu học tiêu biểu, đã sản sinh ra nhiều danh nhân khoa bảng nổi tiếng của đất nước. Theo 2 cuốn Kinh Bắc xứ cao khoa hiền hoạn do Tú tài Nguyễn Nam Thanh soạn năm Thành Thái 5 (1893) và cuốn Cổ Mặc danh công truyện ký do Độn Phu Nguyễn Tử Trinh soạn năm Chính Hòa 2 (1681) đã ghi chép thì Hương Mạc có 23 người đỗ đại khoa (đứng đầu huyện Đông Ngàn nay là huyện Từ Sơn – Bắc Ninh). Nơi đây đặc biệt có nhiều vị rất tài hoa lỗi lạc và từng nắm giữ nhiều chức quan trọng trong triều đình thời phong kiến trước kia. Ví như ông Nguyễn Giản Thanh, thi đậu Trạng nguyên khoa Mậu Thìn (1508), hai lần đi sứ sang Trung Quốc, tương truyền do có tài ứng đối nên được vua nhà Minh phong là Trạng nguyên, ông Đàm Thận Huy đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Canh Tuất (1490) là hội viên hội Tao Đàn và được vua Lê Thánh Tông từng ngự bút khen rằng: Thiên hạ đệ nhất danh thi nhân (là người giỏi thơ nhất trong thiên hạ). Ông còn là thầy dậy cho nhiều vị đỗ đại khoa trong vùng (đặc biệt khoa thi năm Mậu Thìn (1508) ông đã đào tạo được 3 vị đỗ đại khoa, chiếm đủ tam khôi đó là ông Nguyễn Giản Thanh đỗ Trạng nguyên, ông Hứa Tam Tỉnh đỗ Bảng nhãn và ông Nguyễn Hữu Nghiêm đỗ Thám hoa. Còn như ông Đàm Công Hiệu (là cháu 6 đời của cụ Đàm Thận Huy) nổi tiếng và là thầy dạy học của An Vương Trịnh Cương khi còn ở nơi tiềm để… Truyền thống văn hiến mà nổi bật là khoa cử và con đường làm quan của người Hương Mạc thật hiếm thấy, nó thật xứng đáng với lời ca ngợi của người xưa “đất mực thơm có tiếng của vùng”.
Người dân Hương Mạc rất cần cù, và luôn chắt chiu xây dựng cuộc sống của mình ngày thêm phong phú sinh động hơn. Họ đã để lại cho đời sau một số tư liệu Hán Nôm như: thần tích, hương ước, sắc phong, tục lệ, … các bài văn tế, văn mục lục… Qua những phong tục tập quán lễ hội ở đây cho thấy sự đoàn kết của dân làng, đồng thời cũng là truyền thống sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân địa phương từ trước tới nay trên vùng đất cổ này./.

Share:

Author: admin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *