Nghệ thuật điêu khắc gỗ từ lâu đã xuất hiện tại Việt Nam. Điêu khắc được định nghĩa là một ngành của nghệ thuật tạo hình, được sáng tạo theo theo nguyên tắc về thể tích, hình khối và vật chất trong không gian ba chiều, nó cũng bị chi phối của những quy luật tạo hình. Đó không chỉ là nghệ thuật mà còn thể hiện văn hóa đặc sắc của một dân tộc.
“Cây đa – Bến nước – Sân đình” là biểu tượng của các làng quê miền Bắc Việt Nam. Nơi đó, một cộng đồng người Việt cùng quần tụ sinh sống với nguyên tắc trọng tình, ngại di chuyển. Họ lấy gia đình, họ hàng, láng giềng làm mối quan hệ giao tiếp, sinh hoạt hàng đầu trong cuộc sống thường nhật. Dưới những mái đình, nơi linh thiêng nhất, thờ vị thần trấn giữ bình yên cho cả làng. Đó là nơi tín ngưỡng, để dân làng tụ tập trong những ngày lễ hội, là nơi hương khói và hội bàn việc dân việc nước. Nơi đây thể hiện rõ nhất những hoa văn được điêu khắc trên mái đình, trong những nơi thờ cúng của làng.
Một số kiến trúc đặc trưng của các mái đình, chùa chiền phải kể đến kiến trúc “lưỡng Long chầu nguyệt”, “hai con chim Phượng chầu quả cầu lửa ở giữa”, hoặc là một số kiến trúc thể hiện các hoạt động của con người: vui chơi, uống rượu,…Các kiến trúc chạm khắc thể hiện sự khỏe khoắn nhưng không thiếu phần mềm mại, uyển chuyển, tái hiện những hoạt động thường nhật của con người ở các vùng quê Bắc Bộ.
Mặc dù mỗi thời đại, mỗi thế kỷ sẽ có những phong cách, kiến trúc chạm khắc gỗ trên đình, chùa khác nhau, song những điều ấy đều cho thấy sự tỉ mỉ và khéo léo của người thợ. Còn đình làng không chỉ là nơi thờ cúng, chốn thiêng liêng mà còn là nơi khiến con người có thể thể hiện được nét văn hóa đặc trưng của mình qua các thời kỳ, để lại nhiều giá trị tinh thần cho con cháu đời sau.