Tín ngưỡng thờ Tổ nghề ở các làng mộc Việt Nam

Trong tiến trình lịch sử ở Việt Nam, nghề mộc là một trong các nghề xuất hiện sớm. Nghề mộc đã tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng. Trong truyền thống, từ những bàn tay vàng, người thợ mộc đã tạo ra nhiều loại sản phẩm khác nhau: đồ gia dụng (bàn, ghế, tủ, giường…); đồ thờ cúng (bàn thờ, tượng thờ, họa tiết trang trí trên kiến trúc, hoành phi câu đối…); đồ trang trí. Kế thừa từ truyền thống đến nay, sản phẩm của nghề mộc lại càng phong phú. Các dòng sản phẩm từ đồ gia dụng cao cấp đến sản phẩm mỹ nghệ, công trình kiến trúc (di tích, nhà ở dân gian) ngày một phát triển ở các vùng, miền tại Việt Nam.
Về văn hóa tín ngưỡng, một số làng nghề mộc ở Việt Nam tôn thờ ngài Lỗ Ban với tư cách là vị Tổ khai sinh ra nghề mộc. Về lịch sử, nhân vật Lỗ Ban là một vị tổ nghề có nguồn gốc Trung Hoa. Tại Việt Nam đã hình thành hai dạng thức phụng thờ Lỗ Ban ở một số làng nghề mộc.
Dạng thức thứ nhất là các làng nghề thờ vọng duy nhất Tổ nghề mộc tại di tích. Ở Việt Nam, có một số làng nghề thờ Tổ nghề mộc theo dạng này, như các làng Dư Dụ (huyện Thanh Oai, Hà Nội), Minh Tân (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc), Thanh Lãng (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc)… Những phát kiến có giá trị của vị Tổ nghề này đã được truyền bá qua nhiều con đường khác nhau và chúng được cộng đồng ở nhiều nơi lĩnh hội, thực hành nghề nghiệp. Nhiều người thợ thủ công giỏi của nước ta, trong tiến trình lịch sử, đã kế thừa, thực hành, trao truyền cho thế hệ sau những giá trị tinh hoa của nghề mộc. Bên cạnh việc xây dựng công trình thờ tự, từng làng nghề đã ghi chép lại lai lịch cùng hành trạng về Tổ nghề (hay còn gọi là thần tích), từ đó cộng đồng cư dân làng nghề cùng nhau thống nhất lựa chọn ngày sinh và ngày mất là dịp để tổ chức lễ giỗ Tổ nghề theo tinh thần bản sắc văn hóa dân tộc.
Dạng thức thứ hai là phụng thờ ngài Lỗ Ban với tư cách là Tiền tiên sư và về sau, cộng đồng đã lập thêm những người kế nghiệp tài giỏi là Hậu tiên sư. Có thể dẫn ra trường hợp các làng nghề mộc truyền thống như Thiết Úng (huyện Đông Anh, Hà Nội), làng Phù Khê, Hương Mạc, Đồng Kỵ (Thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh)… Theo quan điểm của một số bậc cao niên là nghệ nhân mộc dân gian tại các làng nghề này, khi mới tạo lập nghề, họ đã suy tôn ngài Lỗ Ban với tư cách là Tổ nghề mộc, sau đó lập đền thờ, tổ chức các ngày lễ nhân ngày sinh, ngày hóa của Tổ nghề. Ở làng Phù Khê, Hương Mạc, Đồng Kỵ, ngoài việc tôn thờ ngài Lỗ Ban, cộng đồng cũng tôn thờ ngài Nguyễn Công Nghệ, cụ Phó Sần làm Hậu tiên sư. Việc thờ phụng trên thể hiện sự ngưỡng vọng của cộng đồng đối với các vị Tổ nghề đã có công sáng tạo, truyền bá cũng như phát triển nghề mộc trong tiến trình lịch sử nghề mộc ở Việt Nam./.

Share:

Author: admin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *