1. Giới thiệu làng nghề chạm khắc gỗ Hương Mạc
Làng mộc Hương Mạc (làng tức là làng nghề), thực chất là phường Hương Mạc, thuộc Thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Hương Mạc giáp các huyện Đông Anh (Hà Nội), Yên Phong (Bắc Ninh); giáp các xã Phù Khê và Đồng Kỵ (Từ Sơn). Gồm 6 thôn là Hương Mạc (làng Me), Mai Động, Kim Thiều, Kim Bảng, Đồng Hương, Vĩnh Thọ.
Hương Mạc trước đây nguyên còn gọi là Cổ Mặc phường, rồi đến Trung Mi, sau là Ông Mặc và cuối cùng đến thời nhà Nguyễn đổi thành tên Hương Mạc được dùng cho đến ngày nay.
Người dân Hương Mạc rất cần cù, và luôn chắt chiu xây dựng cuộc sống của mình ngày càng phong phú sinh động hơn. Họ đã để lại cho đời sau những công trình văn hóa như đình làng Hương Mặc có từ thời Lê, xây dựng lại vào thời Nguyễn và đến tận bây giờ nó trở thành một công trình kiến trúc khang trang bề thế. Rồi một số nhà thờ của các bậc đại khoa đã được cấp bằng di tích lịch sử văn hóa như: đền thờ cụ Tiết nghĩa Đàm Thận Huy, đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh, đền thờ Quốc sư Đàm Công Hiệu, đền thờ Quận công Đàm Đình Cư, đền thờ cụ Hoàng giáp Đỗ Đại Uyên… và một số tư liệu Hán Nôm như: thần tích, hương ước, sắc phong, tục lệ, … các bài văn tế, văn mục lục… Qua những phong tục tập quán lễ hội ở đây cho thấy sự đoàn kết của dân làng, đồng thời cũng là truyền thống sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân địa phương từ trước tới nay trên vùng đất cổ này.
+/ Lịch sử nghề mộc Hương Mạc
Nói về lịch sử của nghề mộc Hương Mạc có từ bao giờ cũng không ai rõ. Chỉ biết rằng qua truyền khẩu của nhiều thế hệ người làng Hương Mạc thì nghề mộc ở đâu đã phát triển khá thịnh vượng từ thời nhà Lý.
Giai thoại kể lại rằng: vua Lý Nhân Tông (1072 -1128) đi kinh lý trên địa hạt Lạng Giang (địa danh Thời Lý) để xem xét phòng tuyến Như Nguyệt (trên dòng sông Cầu) chống giặc Tống. Vua nghe tiếng làng Mạc có nghề chạm gỗ bèn kén thợ để chế tác các loại đồ gỗ ngự dụng. Thế rồi nghệ nhân ở làng Mạc nhận mẫu chạm khắc rồi kết hợp với các nhóm thợ khảm trai làng Chuôn (Hà Tây) do ông tổ là Trương Công Thành truyền nghề khảm trai. Nhiều đồ gỗ như tủ, sập, câu đối, ghế… đã khảm trai trước khi tiến cung. Nghề chạm gỗ khảm trai của làng Mạc từ ấy đã được nhân rộng, nhiều người biết đến và được đánh giá cao.
Trải qua thăng trầm lịch sử, nghề chạm khắc gỗ ở Hương Mạc thực sự phát triển vào đầu những năm 1990. Bằng khối óc, bàn tay khéo léo của mình, những nghệ nhân, người thợ làng nghề vẫn lưu giữ được những giá trị tinh hoa của sản phẩm truyền thống. Cùng với sự sáng tạo trong các công đoạn xử lý nguyên liệu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ…, giúp sản xuất làng nghề ngày càng phát triển.
2. Sản phẩm của làng nghề mộc Hương Mạc
Hương Mạc từ xa xưa là làng nghề chạm khắc gỗ truyền thống. Ở đây nổi tiếng với các sản phẩm gỗ được làm thủ công, đục đẽo tinh xảo. Hầu như món hàng nào người làng Hương Mạc cũng đều chế tác được.
- Đồ gỗ nội thất cao cấp như: bàn ghế, giường, tủ, sập, kệ, bàn ghế ăn,…
- Đồ thờ: bàn thờ, tủ thờ, ban thần tài, hoành phi, câu đối, các loại tượng gỗ, lộc bình…
- Các loại tranh gỗ treo tường như: tranh tứ quý, tranh phong thủy, tranh tứ linh và rất nhiều loại tranh bằng gỗ các loại khác.
- Đồ gỗ trang trí như: đồng hồ cổ, cặp lộc bình cổ, khay nước bằng gỗ, giá ngà, khay trà cổ….
- Đồ nội thất văn phòng kiểu cổ, tân cổ
- Đồ nội thất khách sạn cao cấp
- Quà tặng gỗ mỹ nghệ
Nguyên liệu được sử dụng ở đây là gỗ tự nhiên, và thường là loại gỗ quý hoặc hiếm như: gỗ lim, trắc, mun, hương đá, hương xám, cẩm lai, gõ đỏ, cà te, nghiến,… Có những loại gỗ bán và mua theo kg, giá vài chục đến cả trăm nghìn đồng. Vậy nên không hiếm những bộ đồ gỗ có giá lên đến hàng trăm triệu – và cả tỷ đồng ở làng Hương Mạc.
Thị trường tiêu thụ chính của đồ gỗ Hương Mạc là cả trong và ngoài nước. Nhưng tỉ lệ giữa nội địa và xuất khẩu khá chênh lệch, trong 3000 hộ sản xuất chỉ có đến 20 – 30 hộ là sản xuất hàng trong nước. Còn lại thị trường chính vẫn là xuất khẩu sang các nước: Trung Quốc, Lào, Camphuchia, Malaysia…
3. Vì sao đồ gỗ Hương Mạc không nổi tiếng bằng đồ gỗ Đồng Kỵ?
Như đã nhắc đến ở đầu bài viết, chắc hẳn nhiều người sẽ biết đến tiếng của làng gỗ Đồng Kỵ hơn. Mặc dù cùng sản xuất những mặt hàng giống nhau, thị trường tiêu thụ không khác biệt nhưng Đồng Kỵ vẫn nổi tiếng hơn.
Làng nghề mộc Hương Mạc là làng nghề truyền thống có từ lâu đời, người thợ ở làng Hương Mạc rõ ràng có tay nghề cao và chuyên nghiệp hơn. Còn làng gỗ Đồng Kỵ mãi sau này mới có nghề mộc, trước đó họ buôn trâu, dệt vải, buôn đồ giả cổ, xong sau dần mới “lấn sân” sang đồ gỗ. Mặc dù vậy, người Đồng Kỵ lại giỏi về giao thương và mở rộng mối làm ăn. Nghề làm mộc cũng là học từ các làng lân cận mà biết. Hàng của làng Đồng Kỵ phần lớn là lấy từ các làng nghề truyền thống xung quanh, trong đó có làng Hương Mạc. Người Đồng Kỵ chủ yếu nhận công việc giới thiệu sản phẩm, gia công cho đồ gỗ thêm hoàn thiện hơn và gắn mác “đồ gỗ Đồng Kỵ” nhưng thực chất cái cốt vẫn là đồ gỗ Hương Mạc.
4. Những khó khăn trong sản xuất của làng nghề hiện nay
Có cốt nghề trong tay, cộng thêm thị trường đồ gỗ ngày càng rộng mở, nghề mộc ở làng Hương Mạc đã trở thành nghề làm giàu cho người dân địa phương. Các sản phẩm mỹ nghệ của xã Hương Mạc có giá trị cao, thu hút nhiều khách hàng trong và ngoài nước đến đầu tư kinh doanh, buôn bán. Toàn xã hiện có gần 5.000 hộ, trong đó tỷ lệ hộ dân làm nghề đồ gỗ mỹ nghệ chiếm từ 80 – 85%; có 49 công ty, HTX chuyên sản xuất, kinh doanh mỹ nghệ; 05 người được công nhận “Nghệ nhân thủ công mỹ nghệ”.
Tuy nhiên, sản phẩm của làng nghề xuất qua Đồng Kỵ và phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu quá lớn. Hầu như cả làng xuất khẩu đồ gỗ đi khắp nơi, nên khi thị trường đồ gỗ xuất khẩu chững lại, làng nghề cũng lao đao theo. Cụ thể là vào những năm 2012 – 2015, khủng hoảng bắt đầu nổ ra. Sản phẩm không xuất đi được, cả làng nghề gần như đóng băng. Nhưng những sản phẩm sản xuất theo hướng “hàng Tàu” lại không thể chuyển sang bán cho thị trường nội địa bởi thị trường nội địa rất “khó tính”.
Trước những khó khăn của làng nghề Hương Mạc, thời gian tới, để làng nghề phát triển bền vững, quan trọng nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm. Các cơ sở sản xuất cần có sự liên kết với nhau trong tìm hướng mở rộng thị trường (cả tiêu thụ nội địa và xuất khẩu). Theo đó hướng đến thị trường các nước, không bó hẹp tại một nước; liên kết thành lập hội ngành nghề; chia sẻ về kinh nghiệm, trợ giúp nhau về vốn… Bên cạnh đó, về phía chính quyền địa phương tích cực đẩy mạnh việc tạo điều kiện giúp các hộ sản xuất, DN vay vốn ngân hàng để đầu tư trang thiết bị máy móc, thu mua nguyên liệu về đến nơi sản xuất.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở và hộ dân nâng cao hiệu quả sản xuất đồ gỗ truyền thống, đến nay, trên địa bàn xã có 8 dự án cụm công nghiệp, khu dịch vụ làng nghề và giới thiệu sản phẩm với tổng diện tích quy hoạch là 70,5ha, trong đó nhiều dự án đã đi vào hoạt động.